Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

CỬU DƯƠNG CHÂN KINH VÀ CỬU ÂM CHÂN KINH

Cửu Âm Chân Kinh

Cửu Âm Chân Kinh là bộ võ công thượng thừa trong truyện Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung.

Nguồn gốc
Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông, người viết nên Cửu Âm Chân Kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.
Hoàng Thường vốn là một quan lại trong triều đình dưới Triều đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tạng. Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo và quân lính bị đại bại. Tuy nhiên, Hoàng Thường học được toàn bộ bí kíp võ công cao cường nên đánh bại hầu hết các cao thủ Minh Giáo, nhưng sau đó vì đơn thương độc mã nên vẫn thất bại, kết quả là toàn bộ gia đình của Hoàng Thường bị sát hại, chỉ một mình Hoàng Thường thoát nạn chạy lên núi ẩn náu quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù.
Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường trở lại với ý định trả thù nhưng thời gian đã trôi quá lâu tất cả các đối thủ đều đã qua đời, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù.
Tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được, ông viết thành bộ Cửu Âm Chân Kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm các bí kíp rèn luyện nội công căn bản của Đạo gia, Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu Âm Chân Kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.



Xuất hiện
Cửu Âm Chân Kinh xuất hiện trong cả 3 bộ của Xạ Điêu tam bộ khúc, mà trọng tâm là trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện
Trong Xạ Điêu Anh Hùng
Trước thời kỳ xảy ra những nội dung chính của câu chuyện trong tiểu thuyết này, có năm người võ công cao siêu nhất (Thiên Hạ Ngũ Tuyệt) cùng đấu với nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tranh nhau Cửu Âm Chân Kinh (sự kiện Hoa Sơn Luận Kiếm). Võ công của Vương Trùng Dương cao nhất và giành được Cửu Âm Chân Kinh. Ông định đốt sách để tránh chuyện tàn sát trong võ lâm, nhưng lại tiếc công người xưa nên giấu quyển sách đi. Trước khi chết, ông đã giao cho Chu Bá Thông là sư đệ của mình đi giấu hai quyển sách ở hai nơi nhằm tránh cho quyển sách rơi vào tay kẻ xấu.
Trên đường đi giấu sách, Lão Ngoan Đồng bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm đọc lại một lần nhớ hết quyển hạ. Bà về viết lại cho chồng, nhưng Hoàng Dược Sư chưa tu luyện thì bị học trò là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong lấy trộm trốn đi, luyện ra những võ công âm độc là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Tồi Tâm Chưởng. Hoàng Dược Sư nổi giận đánh gãy chân các học trò còn lại và đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa. Vợ Hoàng Dược Sư lúc đó mang thai cố gắng nhớ lại viết lại sách cho chồng nên bị kiệt sức và mất sau khi sinh con. Chu Bá Thông thấy vậy đến Đào Hoa đảo đòi sách và đánh nhau với Hoàng Dược Sư, thua trận bị nhốt trong động đá.
Vô tình từ những ân oán giữa Giang Nam Thất Quái và vợ chồng Mai Siêu Phong khiến cho Quách Tĩnh có được nội dung Cửu Âm Chân Kinh phần hạ được ghi lại trên da bụng của Trần Huyền Phong. Khi Quách Tỉnh gặp Chu Bá Thông trên Đào Hoa đảo, Chu Bá Thông đã dạy cho Quách Tĩnh thuộc lòng cả bộ Cửu Âm Chân Kinh và cũng vô tình đó, Chu Bá Thông cũng luyện thành và trở thành một nhân vật võ công cao nhất. Một phần của Cửu Âm Chân Kinh viết bằng tiếng Phạn được Nhất Đăng đại sư dịch lại sang Trung văn. Sau này, Quách Tĩnh trở thành một cao thủ nhờ tu luyện Cửu Âm Chân Kinh.
Trong Thần điêu hiệp lữ
Khi đến bộ Thần điêu hiệp lữ, Cửu Âm Chân Kinh một lần nữa xuất hiện. Vương Trùng Dương trước khi chết đã ghi lại một phần Cửu Âm Chân Kinh trong thạch động Hoạt Tử Nhân Mộ. Nguyên do ông là khi ông thăm tổ sư Cổ Mộ Phái là Lâm Triều Anh khi bà qua đời thì thấy Ngọc Nữ Tâm Kinh mà bà để lại có thể khắc chế toàn bộ võ công của mình thì bất giác tái mặt, ông tự giam mình trong núi 3 năm để tìm cách phá giải Ngọc Nữ Tâm Kinh, mặc dù tài hoa nhưng ông không cách nào phá giải được Ngọc Nữ Tâm Kinh, mãi sau này đoạt được Cửu Âm Chân Kinh ông mới phát hiện ra cách phá giải nên đã ghi lại trong mật thất Cổ Mộ. Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai người có duyên luyện được bí kíp này.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký


Theo lời kể của Diệt Tuyệt sư thái cho Chu Chỉ Nhược, năm xưa khi thành Tương Dương sắp thất thủ, vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung đã đúc nên 2 thanh Ỷ Thiên Kiếm và Đồ Long Đao. Trong Ỷ Thiên Kiếm có giấu những võ công tuyệt diệu Hàng Long Thập Bát Chưởng và Cửu Âm Chân Kinh. Còn Đồ Long Đao lại cất dấu Võ Mục Di Thư.
Chu Chỉ Nhược sau khi lấy được bí kíp đã theo luyện nhưng do luyện cấp tốc đó mà luyện nên những võ công âm độc lợi hại như Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Bạch Mãng Tiên Pháp.
Trong truyện còn 1 nhân vật bí ẩn nữa là Hoàng Sam Nữ Tử họ Dương mà độc giả có thể đoán được đó là hậu duệ của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Nàng còn rất trẻ nhưng đã có một thân võ công thượng thừa, nàng thi triển những chiêu thức trong Cửu Âm Chân Kinh một cách dễ dàng trên cơ Chu Chỉ Nhược gấp nhiều lần. Cửu Âm Thần Trảo mà nàng thi triển là đi theo chính đạo trái với Chu Chỉ Nhược dùng Cửu Âm Bạch Cốt Trảo âm độc, Hoàng Sam Nữ Tử đã có thể dễ dàng đả bại Chu Chỉ Nhược ngăn cô ta ám toán Tạ Tố.
Những võ công trong Cửu Âm Chân Kinh
Quyển Thượng chuyên ghi chép về các bí kíp rèn luyện nội công như:
Dịch Cân Đoán Cốt Thiên
Thu Cân Súc Cốt Thiên
Cửu Âm Thần Công
Liệu Thương Thiên
Các bí pháp Bế Huyệt, Điểm Huyệt, Giải Huyệt.
Quyển Hạ ghi chép gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể như:
Cửu Âm Thần Trảo (khi Mai Siêu Phong luyện môn công phu này,nhưng dùng đầu lâu để tập luyện,nên khi Mai Siêu Phong sử dụng rất tàn độc,nên giang hồ mới đặt tên khác Cửu Âm Bạch Cốt Trảo.
Bạch Mãng Tiên Pháp
Tồi Tâm Chưởng
Thủ Huy Ngũ Quyền
Loa Toàn Cửu Ảnh
Xà Hành Ly Phiên
Hoành Không Na Di

Cửu Dương Chân Kinh

Cửu Dương Chân Kinh, bộ tâm pháp nội công mà được chính tác giả Kim Dung nói là tối cao vô thượng của nội công, là nội công vô địch trong thiên hạ, còn được hiểu 1 cách gần như đồng nhất với Cửu Dương Thần Công. Đơn giản vì trong "Cửu Dương Chân Kinh" chỉ ghi chép phép luyện nội công "Cửu Dương Thần Công" (khác với Cửu Âm Chân Kinh - ghi chép rất nhiều môn võ công).
"Cửu Dương Chân Kinh" xuất hiện trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Kim Dung. Ngoài ra còn xuất hiện trong phần cuối của bộ Thần Điêu Hiệp Lữ - sự kiện này có liên quan đến nội dung của bộ Ỷ Thiên.


Nguồn gốc
Cửu Dương Chân Kinh được ghi chép tại phần cuối của bộ "Lăng Già Kinh", cho đến trước sự kiện xảy ra trong phần cuối bộ Thần Điêu Hiệp Lữ thì bộ kinh này nằm trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. Lăng Già Kinh là một quyển kinh Phật do Đạt Ma sư tổ truyền lại. Tuy nhiên có nhiều chứng cứ cho thấy bộ kinh văn này là do người khác viết chứ không phải Đạt Ma sư tổ của Thiếu Lâm Tự. Thứ nhất nó được viết bằng Hán tự, không phải tiếng Phạn. Thứ 2 là nó được chép bên cạnh kinh Lăng già, mà không phải được ghi chép tử tế như Dịch Cân Kinh ( Dịch Cân Kinh nguyên gốc tiếng phạn). Thứ ba là Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành "Cửu Dương Chân Kinh" cũng nghĩ rằng đây chắc không phải võ học Thiếu lâm mà do cao thủ lánh đời nào đó đề lại vì nó có nhiều quan điểm của Đạo gia. Không ngoại trừ khả năng Hoàng Thường, tác giả của Cửu Âm Chân Kinh vào lúc cuối đời, ẩn cư Thiếu lâm, tạo ra bộ "Cửu Dương Chân Kinh" này.
Xuất hiện
Trong Thần Điêu Hiệp Lữ Ở chương cuối, khi mọi người lên Hoa Sơn luận võ thì bắt gặp Giác Viễn đại sư và đệ tử là Trương Quân Bảo (tức Trương Tam Phong sau này) đang truy đuổi Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây. Nguyên nhân là 2 người Tiêu và Doãn trong khi tạm lánh ở Thiếu Lâm Tự đã lấy cắp bộ sách "Cửu Dương Chân Kinh" và bỏ trốn. Là người chịu trách nhiệm gác Tàng Kinh Các nên Giác Viễn cùng đệ tử phải đuổi theo đòi lại.
Tuy nhiên, hai người này đã khéo léo giấu bộ sách vào bụng con vượn già nên dù Giác Viễn được sự trợ giúp của Võ Lâm Ngũ Bá (đời thứ 2) và Trương Quân Bảo vẫn không thể tìm thấy và buộc phải quay về. Về sau, Giác Viễn vì lí do này bị Thiếu Lâm Tự phạt phải xích chân gánh nước đổ vào giếng hàng ngày. Về phần Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử, hai người bỏ trốn đến dãy Côn Luân thì đánh nhau để tranh giành bộ kinh đến mức cả hai cùng kiệt sức mà chết. Trước khi chết, họ có lời nhờ Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo chuyển lời đến Giác Viễn về sách là "Sách để trong hầu" (hầu chỉ con khỉ già) nhưng do kiệt sức phát âm không thành nên Hà Túc Đạo nghe nhầm là "Sách để trong dầu" nên cả Giác Viễn lẫn Thiếu Lâm Tự đều không hiểu và bộ sách đã bị thất truyền ngót trăm năm, mãi cho đến khi Trương Vô Kỵ tìm thấy sau này.

Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký
Có nhiều người học được nội công trong "Cửu Dương Chân Kinh", nhưng chỉ có Giác Viễn và sau này là Trương Vô Kỵ học được toàn vẹn "Cửu Dương Chân Kinh" nguyên bản. Giác Viễn là một người mê đọc sách, khi gác Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm đã đọc hết cách sách và vô tình đọc cả bộ Kinh Lăng Già. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đã mang trong mình nội công hùng hậu "Cửu Dương Chân Kinh" mà không hề hay biết. Do nhiều biến cố, trước khi Giác Viễn qua đời đã đọc lại toàn bộ "Cửu Dương Chân Kinh", lúc đó có mặt cả Trương Quân Bảo, Quách Tương (sau này lập nên phái Nga Mi) và Vô Sắc Đại Sư, mỗi người đã học một phần của bộ kinh này. Trong đó Trương Quân Bảo luyện được nội công tối thuần, Vô Sắc Đại Sư luyện được nội công tối cao, Quách Tương luyện được nội công tối bác. Vì thế, các chiêu số, nội công của các phái Thiếu lâm, Võ Đang và Nga Mi đều có màu sắc của "Cửu Dương Thần Công" nhưng không toàn vẹn.
Hơn một trăm năm sau, Trương Vô Kỵ khi bị kẻ thù truy đuổi trên núi tuyết Côn Luân đã vô tình lạc vào thung lũng nơi con vượn mà Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây từng nhét kinh vào ở. Ở đó, Vô Kỵ đã mổ bụng cứu con vượn già (vì bộ sách bị nhét vào bụng, con vượn đã mang bệnh suốt trăm năm) đã tìm thấy được bộ kinh và học được toàn bộ nội công "Cửu Dương Thần Công" trong bộ sách này. Vô Kỵ đã dùng nội công này đẩy toàn bộ hơi hàn độc của Huyền Minh Thần Chưởng đang đe dọa mạng sống của mình, đồng thời trở thành người có nội lực hùng hậu vào bậc nhất. Trước khi dời khỏi hẻm núi hoang này, Vô Kỵ đã chôn bộ "Cửu Dương Chân Kinh" này lại trong hẻm núi và sau đó không ai còn nghe về nó nữa.

Nguồn:  Wikipedia tiếng Việt



0 nhận xét:

Đăng nhận xét